Tình thế cách mạng Lịch_sử_Nga,_1892-1917

Những tiền đề của cách mạng Nga

Ngày 1 tháng 8 1914, đế quốc Đức tuyên chiến với đế quốc Nga, đế quốc Nga tham gia vào thế chiến thứ nhất. Cuộc chiến tranh kéo dài càng đẩy mạnh sự sụp đổ về kinh tế và khủng hoảng chính trị, xã hội ở Nga.

Sự sụp đổ về kinh tế

Nền kinh tế Nga vốn lạc hậu nên không chịu được cường độ cao của cuộc chiến tranh. Lệnh tổng động viên 10 triệu người tham gia nhập ngũ đã làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực nghiêm trọng nên ngày càng suy thoái. Từ năm 1916 đến 1917 sản lượng lương thực giảm 20%. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi. Sản xuất công nghiệp cũng đình đốn trong chiến tranh nên nạn thất nghiệp tăng nhanh.

Chiến tranh cũng làm cho nền tài chính nước Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng. Từ tháng 8/1914 đến tháng 3/1917, triều đình Nga hoàng đã chi vào cuộc chiến 29,6 tỷ Rupee, cao gấp 3 lần tổng thu quốc khố. Để có tiền chi dùng cho cuộc chiến, triều đình liên tục trưng thu những loại thuế mới và tổ chức bán quốc trái trong nhân dân. Tổng số quốc trái tính từ đầu 1914 là 8,8 tỷ Rupee đã tăng lên 36,6 tỷ Rupee vào năm 1917.

Trong thế chiến thứ nhất, các mặt hàng có giá trị nhất là ngũ cốc, các phú nông và thương buôn đã đầu cơ, tích trữ lương thực: giá lương thực tăng cao hơn so với bất kỳ loại hàng hóa khác trong chiến tranh. Năm 1916, giá lương thực tăng cao hơn so với mức lương 3 lần, mặc dù vụ mùa bội thu trong cả hai năm 1915 và 1916. Giá ngũ cốc từ 2,5 rúp được dự đoán sẽ tăng lên đến 25 rúp. Với giá lương thực đắt đỏ, trong suốt năm 1916, người lao động ở đô thị Nga chỉ ăn trung bình khoảng từ 200 đến 300 gram lương thực cho mỗi ngày. Năm 1917, dân cư ở các đô thị của Nga được phép mua chỉ 450 gram bánh mỳ cho mỗi người lớn, mỗi ngày.

Tới mùa thu năm 1917, nước Nga đã lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hết sức trầm trọng. Sản xuất công nghiệp chỉ bằng 36,4% so với năm trước. Giao thông vận tải hầu như bị tê liệt. Nạn đói đã xảy ra ở nhiều vùng trong nước, nhất là ở các thành phố. Các mâu thuẫn xã hội càng thêm gay gắt.

Khủng hoảng chính trị, xã hội

Ngoài mặt trận, quân đội Nga do trang bị kém và lạc hậu nên liên tiếp thất bại, từ tháng 8 1914 đến tháng 2 1917, quân đội Nga bỏ nhiều vị trí quan trọng như Ba Lan, Latvia, Lithunia, Litva, Bucovina. Đi kèm với các thất bại là mức độ thương vong khủng khiếp. Quân lính Nga chết vì bệnh tật, đói, rét và bị bắt làm từ binh. Đến đầu năm 1917 đã có 1,5 triệu lính Nga chết, 4 triệu người bị thương, gần 2 triệu binh lính bị bắt hoặc đào ngũ. Trong khi đó, một số sĩ quan trong quân đội Nga hoàngbọn tư sản, địa chủ đã lợi dụng cuộc chiến tranh để làm giàu bất chính. Mọi nỗi khổ của cuộc chiến tranh đè nặng lên vai các tầng lớp nhân dân Nga, đặc biệt là nông dân, công nhân Nga và hơn 100 dân tộc trong đế quốc Nga. Ngay cả một số người trong giai cấp tư sản cũng bất mãn với chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng, muốn lợi dụng thời cơ để giành lấy chính quyền.

Trước tình hình đó, trên toàn nước Nga đã xảy ra 1416 cuộc bãi công và 294 cuộc nổi loạn của nông dân. Quân đội cũng bất mãn với chế độ Nga hoàng. Ngoài mặt trận quân đội đào ngũ hàng loạt và tổ chức nổi loạn như vụ nổi loạn của các lính thuỷ trên chiến hạm vào tháng 10 1916. Các dân tộc cũng nổi dậy. Tháng 7 1916 tại Kazakhstan, nông dân đã đứng lên khởi nghĩa, thiêu huỷ danh sách trưng binh và đập phá các cơ quan nhà nước. Đến thời điểm này, triều đình Nga hoàng đã không còn khả năng thống trị nữa và nước Nga tiến sát tới một cuộc cách mạng.